Total Pageviews

Sunday, February 10, 2013

Sự chuyên chế của Kinh tế chính trị học




Dani Rodrik ([1])
Lâm Vũ lược dịch

Đã có một thời kỳ trong đó các nhà kinh tế học chúng ta bị định hướng một cách rõ ràng bởi nền chính trị. Chúng ta cho rằng công việc của mình là mô tả xem các nền kinh tế thị trường vận hành như thế nào, khi nào thì chúng thất bại, và các chính sách được thiết kế hợp lý có thể làm gia tăng hiệu quả như thế nào. Chúng ta phân tích sự đánh đổi giữa các mục tiêu cạnh tranh (ví dụ như giữa công bằng với hiệu quả), và bắt các chính sách phải tạo ra được những kết quả kinh tế mong muốn, kể cả sự tái phân phối. Điều đó phụ thuộc vào các chính trị gia có tiếp thu lời tư vấn của chúng ta hay không, và cách thức bộ máy hành chính quan liêu thực thi những lời tư vấn này.

Sau đó một số nhà kinh tế học trở nên tham vọng hơn. Phải đối diện với thực tế rằng những lời tư vấn của mình không được ai chú ý đến (quá nhiều giải pháp liên quan đến thị trường tự do đang phải chờ đợi để được thực thi), chúng ta quay lại phân tích hành vi của chính các chính trị gia và bộ máy hành chính quan liêu. Chúng ta bắt đầu nghiên cứu hành vi chính trị trên cơ sở cùng một khung khái niệm vốn đã được sử dụng khi phân tích các quyết định của người sản xuất và người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường. Các chính trị gia trở thành những người cung cấp các lợi thế chính sách nhằm tối đa hóa thu nhập của chính họ; và các hệ thống chính trị trở thành các thị trường trong đó những lá phiếu và ảnh hưởng chính trị được đem ra mua bán để thu về các lợi ích kinh tế.

Đó là tiền đề ra đời của ngành kinh tế chính trị học về lựa chọn duy lý, và đó một khuynh hướng xây dựng lý thuyết mà rất nhiều nhà khoa học chính trị đã triển khai. Khuynh hướng này đã giúp giải thích tại sao các chính trị gia lại thực hiện quá nhiều hành động đi ngược lại với tính duy lý kinh tế. Tuy vậy, không có một thất bại kinh tế nào được xem xét trên cơ sở tính đến “những nhóm lợi ích mang tính chi phối”. 

Vì sao có quá nhiều ngành quay lưng lại với cạnh tranh thực sự? Bởi vì các chính trị gia đang chi phối nhiều công ty trong những ngành đó – những doanh nghiệp đang tạo điều kiện để họ trục lợi từ sự cạnh tranh bất bình đẳng. Vì sao các chính phủ lại dựng nên những rào cản trong thương mại quốc tế? Bởi vì các chính trị gia được hưởng lợi ích kinh tế và tạo lập được ảnh hưởng chính trị từ sự bảo hộ thương mại, trong khi đó giới tiêu dùng thì phân tán và vô tổ chức. Vì sao giới tinh hoa chính trị lại ngăn cản các cuộc cải cách mà sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quá trình phát triển? Bởi vì tăng trưởng và phát triển sẽ xói mòn sự nắm giữ quyền lực chính trị của họ. Vì sao các cuộc khủng hoảng tài chính lại xảy ra? Bởi vì các ngân hàng đã kiểm soát quá trình lập định chính sách nhằm đẩy những rủi ro sang cho đại chúng.

Để có thể thay đổi thế giới này, chúng ta cần phải hiểu được nó. Và mô thức phân tích nhấn mạnh đến các nhóm lợi ích mang tính chi phối dường như giúp chúng ta có được những hiểu biết sâu sắc hơn về các kết quả kinh tế và chính trị.

Nhưng vẫn còn đó một nghịch lý sâu sắc trong tất cả những thực tế ấy. Càng đưa ra nhiều giải thích, chúng ta càng ít có cơ hội để cải thiện vấn đề. Nếu hành vi của các chính trị gia được quyết định bởi “các nhóm lợi ích mang tính chi phối” mà họ chịu ảnh hưởng, thì những tư vấn về cải cách chính sách của các nhà kinh tế học sẽ giống như cuộc trò chuyện với người điếc. Khoa học xã hội của chúng ta càng hoàn thiện hơn thì nó lại càng ít phù hợp hơn cho các phân tích chính sách của chúng ta.

Đây là điểm khác biệt lớn giữa khoa học nhân văn và khoa học tự nhiên. Hãy mường tượng về mối quan hệ giữa khoa học và kỹ thuật. Một khi sự hiểu biết của các nhà khoa học về những quy luật vật lý của tự nhiên trở nên hoàn thiện hơn, thì các kỹ sư sẽ có thể xây dựng những cây cầu và tòa nhà tốt hơn. Sự cải thiện trong khoa học tư nhiên sẽ gia tăng, thay vì giảm bớt, khả năng định hình môi trường vật lý của chúng ta.

Mối quan hệ giữa kinh tế chính trị học và phân tích chính sách lại không giống như vậy. Do hành vi mang tính nội sinh của chính trị gia, nên kinh tế chính trị học không giúp gì nhiều cho các nhà phân tích chính sách. Điều này cũng tương tự như việc nếu các nhà vật lý học không chỉ giải thích được các hiện tượng tự nhiên mà còn có thể xác định được những cây cầu và ngôi nhà nào mà các kỹ sư có thể xây dựng, thì chúng ta không cần gì đến các trường kỹ thuật cả.

Trên thực tế, các khung khái niệm về kinh tế chính trị học hiện hành của chúng ta đang bị tràn đầy bởi các giả định thiếu rõ ràng về những tư tưởng ẩn dưới sự vận hành của các hệ thống chính trị. Một khi những giả định đó trở nên rõ ràng thì vai trò quyết định của những nhóm lợi ích mang tính chi phối sẽ biến mất. Thiết kế chính sách, lãnh đạo chính trị và tự do của con người sẽ trở về với đời sống.

Có ba cách mà qua đó tư tưởng định hình nên lợi ích. Đầu tiên là các tư tưởng giúp giới tinh hoa chính trị xác định bản thân họ mà những mục đích mà họ theo đuổi – tiển bạc, danh dự, địa vị, duy trì quyền lực, hay đơn giản là xác lập vị trí trong lịch sử. Những câu hỏi liên quan đến bản sắc chiếm vị trí trung tâm trong việc các chính trị gia lựa chọn hành động như thế nào. Thứ hai là các tư tưởng xác định cách nhìn nhận của các chính trị gia về cách thức vận hành của thế giới. Các nhóm lợi ích đầy quyền lực trong giới kinh doanh sẽ vận động hành lang với nhiều chính sách khác biệt nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất từ bình diện phân tích chính sách chính là những tư tưởng xác lập nên những chiến lược mà các chính trị gia tin rằng họ có thể theo đuổi. Ví dụ, có một cách để cho giới tinh hoa chính trị duy trì quyền lực là thúc đẩy thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời với việc đa dạng hóa nền tảng kinh tế của họ, thiết lập các liên minh, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa theo định hướng của Nhà nước.

Hai ví dụ sống động minh họa cho những phân tích trên là sự cất cánh trong tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ thập niên 1960 và của Trung Quốc từ thập niên 1970. Trong cả hai trường hợp, người được hưởng lợi nhiều nhất là những nhóm lợi ích mang tính chi phối (các tập đoàn kinh doanh của Hàn Quốc và Đảng Cộng sản tại Trung Quốc). Điều khiến cho cải cách có thể được thực thi không phải là sự tái cấu trúc quyền lực chính trị mà là sự trỗi dậy của những chiến lược mới. Thành tựu kinh tế đạt được thường không phải do các nhóm lợi ích này bị đánh bại, mà do các chiến lược khác nhau được các nhóm lợi ích ấy sử dụng.

Kinh tế chính trị học rõ ràng vẫn còn quan trọng. Nếu không hiểu được ai được hưởng lợi và ai bị tổn thương từ hiện trạng, thì khó lòng phân tích và phê phán các chính sách hiện hành. Nhưng sự tập trung đặc biệt đến “những nhóm lợi ích mang tính chi phối” có thể giúp chúng ta tận dụng được những đóng góp quan trọng từ các phân tích chính sách và những nghiên cứu về sự liên minh giữa chính trị và kinh doanh. Khả năng tạo ra tiến bộ kinh tế đang tiến tới những giới hạn, không phải chỉ bởi thực tế của quyền lực chính trị, mà còn bởi sự nghèo nào trong tư tưởng của cộng đồng các nhà kinh tế học chúng ta.

* Dani Rodrik là giáo sư về Kinh tế Chính trị học Quốc tế tại Trường Quản trị Công Kennedy thuộc Đại học Harvard, và là học giả hàng đầu về toàn cầu hóa & phát triển kinh tế.



[1] Nguồn: Rodrik, Dani (2013). “The Tyranny of Political Economy”. Project Syndicate, February 8, 2013. (www.project-syndicate.org)

No comments:

Post a Comment